Giáo dục “Hậu COVID” sẽ như thế nào?

Giáo dục “Hậu COVID” sẽ như thế nào?

Nhờ sự kết nối công nghệ, giáo dục sẽ thay đổi cách dạy và học, vai trò và mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh, theo Microsoft.

Chuyển từ văn hóa dạy học sang văn hóa học tập

Trở lại trường học sau Covid-19 là thời điểm tốt để các nhà giáo dục nhìn vào tương lai của ngành. Sean Tierney, Giám đốc Chiến lược giảng dạy và học tập của Microsoft Châu Á cho biết: “Công nghệ đã thay đổi nhiều khía cạnh trong xã hội của chúng ta trong nhiều năm qua. Nhưng cấu trúc trường học nhìn chung vẫn như cũ”.

Hiện, các giải pháp công nghệ có tiềm năng biến đổi và cải thiện hệ thống để học sinh có thể đạt được nhiều hơn và phát triển các kỹ năng có giá trị với kết quả tốt hơn. Tierney cho rằng cần có một sự thay đổi mang tính hệ thống, trong đó giáo dục sẽ chuyển từ văn hóa dạy học (teaching culture) sang văn hóa học tập (learning culture).

Theo đó, dữ liệu thời gian thực, trí tuệ nhân tạo (AI) và một loạt các thiết bị và công cụ mới, sẽ giúp thay đổi vai trò và mối quan hệ của học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Công nghệ gắn liền với việc giảng dạy, kể cả hình thức học 1:1 với gia sư

Học sinh sẽ được trao quyền để tự học theo cách linh hoạt, thường xuyên hợp tác, cả trong và ngoài lớp học theo tốc độ của riêng họ. Giáo viên sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu thời gian thực về mức độ tiến bộ của mỗi học sinh – trên cả hai khía cạnh học thuật và cảm xúc – để hỗ trợ phù hợp nhất  cho mỗi trẻ. Phụ huynh sẽ được kết nối tốt hơn.

“Bài học thực sự với người đi học là việc học có thể rất thách thức”, Tierney nói thêm.

Lớp học, như chúng ta đã biết trong nhiều thế kỷ, cũng sẽ được cấu trúc lại. Anthony Salcito, Phó Chủ tịch Giáo dục của Microsoft, dự đoán công nghệ sẽ chứng kiến các trường học biến đổi thành các trung tâm học tập – không gian mà học sinh có thể chủ động lựa chọn để học chứ không phải là không gian duy nhất mà người học chỉ có thể học tại đó.

Salcito chia sẻ tại Bett 2020, một hội nghị giáo dục toàn cầu: “Trong vài thập kỷ qua, trọng tâm giáo dục tập trung rất nhiều vào trải nghiệm trong lớp học. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy một sự thay đổi, trong đó các trường học sẽ tạo ra một nền tảng không gian dữ liệu linh hoạt, cho phép học sinh học tập liên tục ngoài giới hạn các lớp học trong khuôn viên trường”.

Tierney cũng thấy hình thức quản lý lớp học kiểu cũ đang dần tan biến. “Các lớp học từng rất quan trọng khi bạn phải phát một thông điệp cho học sinh của mình. Học sinh phải ở gần bạn trong một không gian tập trung. Nhưng nhờ công nghệ, mô hình quản lý và giảng dạy này không còn thống trị nữa”, ông giải thích.

Tuy nhiên, Tierney tin rằng các trường học chính thống vẫn có giá trị trong tương lai, như là nơi an toàn cho trẻ học các kỹ năng xã hội trong khi cha mẹ chúng đang làm việc.

Công nghệ cũng sẽ giúp cá nhân hóa việc học, giúp hỗ trợ trẻ em toàn diện. Một lớp học thực chỉ có một giáo viên với 30 học sinh, nhưng với công nghệ, giáo viên như có thêm 10 trợ giảng, cho họ khả năng quan sát tất cả các chi tiết và hiểu ở mức độ sâu sắc hơn nhiều về nhu cầu của từng em.

Học tập cá nhân và dữ liệu thời gian thực cũng thay đổi cánh đánh giá. Một bài kiểm tra cung cấp cho giáo viên một bức ảnh chụp kịp thời về cả một đám trẻ. Nhưng một khi bạn có kết quả, có thể rất khó điều chỉnh việc giảng dạy để giải quyết những thiếu sót vì đã quá muộn. Nếu áp dụng công nghệ để đo kiến thức học sinh theo thời gian thực, chúng ta sẽ biết chính xác mọi đứa trẻ đang ở đâu trong suốt quá trình học tập.

Giáo viên cần thay đổi

Tuy vậy, để biến đổi văn hóa giáo dục theo cách này, nghề dạy học phải biến đổi, và đó sẽ là một thách thức đối với một số người, Tierney thừa nhận.

Một số giáo viên có thể đấu tranh với sự thay đổi văn hóa này. Khi dạy học truyền thống là mô thức của bạn, bạn có thể có suy nghĩ cứng nhắc rằng thầy cô phải hiểu biết mọi thứ về các môn học mình dạy.

Thay vào việc phải nắm được mọi kiến thức, các giáo viên của tương lai có thể dành ít thời gian hơn để thiết kế nội dung môn, và dành nhiều thời gian hơn cho trải nghiệm học tập. Từ đó, trẻ có thể tìm và tạo ra ý nghĩa riêng của chúng xung quanh nội dung đó.

Thực tế, môi trường giáo dục xây dựng văn hóa học tập sẽ khuyến khích giáo viên đồng thời là những người học mẫu mực. Thầy cô học với những đứa trẻ. Đó có thể bao gồm việc học về công nghệ mới – thứ mà thầy cô có thể học ngang hàng như những đứa trẻ. Điều này truyền cảm hứng cho học sinh trên con đường tự học suốt đời.

“Một giáo viên nên là một chuyên gia trong học tập và thể hiện những thói quen học tập tuyệt vời. Họ nên là một hình mẫu về những điều này cho các học sinh của họ. Khả năng của giáo viên để tiếp tục thích nghi và đổi mới sẽ rất quan trọng”, Salcito khẳng định.

Nguyên Chương (theo Microsoft)

Nguồn: VnExpress

Trả lời