Thoát ly văn mẫu bằng cách nào ?

Sử dụng văn mẫu, áp đặt lời văn của thầy cô lên các em luôn là vấn đề thường trực trong công tác dạy và học môn Văn.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã yêu cầu chấm dứt cách học theo văn mẫu, bài mẫu. Đây là cách dạy và học làm tổn hại đến khả năng tư duy, sáng tạo cần thiết trong văn học. 

Tả về bà là phải còng lưng, tóc bạc trống gậy

Có thể nói, chuyện giáo viên dạy theo văn mẫu, học sinh học thuộc văn mẫu đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của ngành giáo dục. Tuy vậy, để xóa bỏ thói quen học và dạy văn theo mẫu liệu có đơn giản?

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến – Hiệu phó trường Trung học phổ thông Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) về vấn đề này.

Nêu quan điểm về tác hại của việc dạy, và học văn theo mẫu, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến cho biết:

“Giáo viên từ trước đến nay, nhất là các cấp dưới Trung học phổ thông, ngay cả như khi theo dõi con mình khi đi học thì nhiều thầy cô dạy văn theo mẫu có những tác hại rất lớn.

Đó là học sinh thụ động trong tư duy, ví dụ như cho các em cảm nhận tư duy về đồ vật, người thân… các em vẫn cứ tư duy theo một khuôn mẫu nhất định.

Người là các em sẽ tả mặt trái xoan, rồi mũi dọc dừa, lông mày lá liễu, răng đều như hạt na…

Khi tả bà thì phải là người già còng lưng, chống gậy, mặt phải nhăn nheo, tóc phải bạc phơ… nhưng thực tế bây giờ bà các em không phải như thế.

Có thể người bà của các em ấy lại mặc quần ống loe, tóc vẫn làm xoăn, đi xe tay ga… bà ngoại em đẹp không xù xì, không còng lưng…

Những việc tả theo khuôn mẫu này dẫn tới việc các em không có cảm nhận thực sự mà chỉ như con vẹt, các em nói.

Đã có lần có em được hỏi cảm nhận về bài thơ này, bài thơ kia… em đó đã trả lời là con làm gì biết cảm nhận, đấy là cô con cảm nhận chứ con có cảm nhận được gì đâu, em đó rất sợ học văn.

Việc học văn như vậy sẽ khiến các em cực kỳ nặng nề, học văn sẽ thụ động. Các em sẽ không có cảm hứng gì để học văn cả.

Ngay cả giáo viên, việc dạy theo mẫu thì thấy các em làm bài không đúng bài văn mẫu của mình thì cho điểm thấp, em nào làm đúng bài của cô thì được điểm cao… như vậy sẽ phản giáo dục.

Có thể thấy, việc học văn theo mẫu là sự áp đặt tư duy của người lớn vào suy nghĩ của các em”.

Nói về việc dạy Văn, cô Yến cho rằng: “Theo tôi, việc dạy Văn cốt yếu nhất là làm cho các em ấy hiểu vấn đề và dạy các em chủ động, linh hoạt và vận dụng vào từng tình huống cụ thể.

Ví dụ việc dạy tả về người bà, thì phải dạy cho các em tả được ra đúng bà mình, không phải là một bà theo mẫu cụ thể nào đó. Bà của các em có bà béo, bà gầy, bà còn trẻ, bà đã già… quan trọng là các em phải cảm nhận được người mình muốn tả là như thế nào. Giáo viên phải chấp nhận cả những mặt đẹp và mặt xấu nhưng nó phải chân thật.

Tôi cũng là một người có chuyên môn về Văn, phương pháp dạy học là cho học sinh và rèn tư duy cũng như là khả năng thích ứng mọi tình huống trong cuộc sống.

Khi mà đón những học sinh mà từ cấp học dưới lên Trung học phổ thông, các em đã học Văn theo kiểu học văn mẫu bản thân tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các em bị thay đổi phương pháp và cách tiếp cận.

Tuy nhiên, chỉ 2 -3 tháng sau, khi được học theo phương pháp tư duy gợi mở các em sẽ thấy học Văn rất nhẹ nhàng, dễ dàng và các em cảm thấy rất thích học.

Bởi vì khi đó các em được cảm nhận và thể hiện bài văn bằng chính tư duy và cảm xúc của mình từ đó các em sẽ phát triển được ngôn ngữ, nguồn cảm xúc.

Nếu vẫn cứ bắt các em tả một bài văn theo khuôn mẫu các em sẽ không có một cảm xúc gì, không phát triển tư duy gì và bản thân các em sẽ rất hời hợt với môn Văn.

Bên cạnh đó, việc học thuộc, theo tư duy logic về mặt trí nhớ thì các em chỉ nhớ trong lúc thi thôi, sau đó 1 – 2 tuần các em sẽ quên và chẳng bao giờ lưu lại.

Có những học sinh đã từng nói với tôi rằng, chưa từng nghĩ mình đã viết như thế, như chưa từng học về những điều đó… Các em chỉ học thuộc như những con vẹt rồi để đi thi, sau đó các em bỏ bẵng đi thôi.

Giống như con chim Chàng Làng, con chim có thể hót được rất nhiều tiếng nhưng cái đặc trưng nhất của nó là gì thì không có. Học sinh đi học cũng vậy, các em có thể học rất nhiều bài văn, nhiều tác phẩm văn học khác nhau, nhưng tất cả chỉ để thuộc rồi quên đi một cách nhanh chóng.

Chính vì thế để mà đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, phát triển chính bản thân con người, phát triển nguồn nhân lực của mình thì việc dạy Văn phải gắn với cuộc sống và gắn với chính bản thân các em thì sẽ có hiệu quả hơn.

Nếu cứ bê những bài văn mẫu để nhồi nhét vào đầu các em để các em chép lại, để các em lên lớp đi thi là thất bại”.

Thay đổi phải đồng bộ

Để thay đổi việc học văn mẫu, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng phải thay đổi đồng bộ từ cách ra đề, đáp án và phương pháp giảng dạy.

“Để thoát được việc học Văn mẫu theo tôi tất cả phải thay đổi đồng bộ. Nếu bây giờ vẫn thi như cũ mà bảo dạy mới thì giáo viên sẽ thất bại.

Bởi vì nếu học sinh phát triển tư duy kỹ năng tốt nhưng lại thi trượt vì không làm đúng mẫu thì chẳng giải quyết được gì.

Hoặc việc ra đề mới nhưng giáo viên chưa xoay kịp thì học sinh, phụ huynh cũng sẽ rất hoang mang.

Do vậy việc đổi mới cần phải có sự đồng bộ từ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá…

Bắt đầu từ những bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra đánh giá, nếu các em làm quen rồi thì đến khi các em thi tốt nghiệp, thi đại học thì các em mới cập nhật được.

Giáo viên sợ nhất là những thay đổi quá gấp gáp kiểu tháng 4 thay đổi, tháng 5 thi luôn. Đây chỉ là những giải pháp tình thế, không có cơ sở khoa học. Lúc nhanh thì nhanh tất, vội thì vội tất…tất cả sẽ khó có kết quả tốt.

Nói về việc thay đổi, cô Yến nêu quan điểm:“Việc thay đổi việc học văn mẫu phải có lộ trình từ các cấp học. Thay đổi từ các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10, thay đổi từ việc dạy hàng ngày, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ…Sau những thay đổi đó, thì sau đó thi theo phương pháp mới. Việc thay đổi phải có có lộ trình để giáo viên cùng học sinh cùng thay đổi”.

Bên cạnh đó, nói về việc ra đề và đáp án cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến cho biết:

“Nếu đáp án mở quá thì cũng không ổn vì mỗi người mỗi ý, trăm hoa đua nở, mỗi học sinh lại viết theo một cách khác nhau, giáo viên cũng chấm ý khác nhau. Thế nhưng, nếu chỉ khung vào một ý, khi các em làm ý đi thì rất khó để cho điểm các em.

Do vậy, khi ra đáp án ở môn Văn chỉ nên ra những từ khóa những từ mang tính chất định hướng và có định lượng nhất định.

Với những học sinh trung bình các em phải đạt được những lượng kiến thức như thế này, học sinh khá các em phải đạt được lượng kiến thức như thế kia…

Tất nhiên, đấy không phải là mẫu mà là lượng kiến thức các em phải đạt được ngưỡng nhận thức, thông hiểu như thế nào, vận dụng các em vận dụng được ra sao… Nghĩa là phải có một thang, ngưỡng để giáo viên cho điểm.

Ngưỡng này không phải việc giáo viên thích cho như thế nào thì cho và cũng không quá chặt đến mức là học sinh cứ cựa ra là không có điểm hoặc giáo viên chấm thi cứ thế là không cho điểm…

Cho nên là chấm nên chấm theo từ khóa. Ví dụ như thái độ nhân vật này với nhân vật kia như thế nào, học sinh có thể đồng tình hưởng ứng… nghĩa là nếu học sinh dùng những từ đồng nghĩa thì vẫn có thể cho điểm.

Không nhất thiết là chỉ có đồng ý mới cho điểm, hưởng ứng thì không cho điểm, đồng lòng cũng không cho điểm…rồi là ủng hộ cũng không được. Khi chấm đáp án thì nên dùng những từ khóa hoặc những khung kiến thức để các em có thể trạm vào đó là có thể cho điểm rồi.

Nêu ví dụ với các em học sinh cấp dưới, cô giáo Yến cho rằng: “Với các em học sinh cấp dưới, giả sử việc ra đề với các em như thế này thì có thể kích thích sự sáng tạo của học sinh: Em hãy tả bạn trong lớp em, từ bài tả của các em cô giáo sẽ hình dung ra cách tả của các em xem đúng bạn ấy muốn tả hay không. Tuyệt đối không được tả bạn ở nơi khác, như vậy các em vừa có điều kiện quan sát, vừa có khả năng phát huy sáng tạo.

Môn Văn mang tính đặc thù là vừa có cái chung và vừa phải có cái riêng. Các môn khác giả sử đáp án có a, b, c… là có điểm nhưng môn Văn phải vừa làm sao phải đạt được khung kiến thức nhất định vừa phải có sự khơi mở để các em sáng tạo để giáo viên có thể cho điểm. Phải có sự vận dung linh hoạt”.

Suy cho cùng muốn học sinh phát triển tư duy, phát triển khả năng sáng tạo thì chương trình giáo dục phải phù hợp với từng môi trường, từng hoàn cảnh.

Theo Trần Phương / Báo Giáo dục 24h

Trả lời